
Nuôi mèo cảnh đã trở thành xu thế, không chỉ dành riêng cho giới nhà giàu. Ngày nay, ai cũng có thể sở hữu cho mình một “thú cưng” khác nhau. Mèo cảnh là một trong số đó.
Trước đây, mèo được nuôi với nhiệm vụ chính là bắt chuột, côn trùng,… Thì với thời đại phát triển, chúng đã được “thuần chủng hóa”, trở thành người bạn tri kỷ, chia sẻ tâm sự với chủ nhân. Thậm chí, chúng còn trở thành thước đo của sự “sang chảnh”, quý phái. Vì có nhiều loại phải những người “cực giàu” mới có thể sở hữu được.
Nếu bạn cũng có sở thích này, đừng ngại không có tiền. Vì vẫn còn nhiều chủng mèo giá rẻ mà vẫn “sang không kém” đâu nha. Quan trọng là bạn có niềm yêu thích với chúng.
Còn với những người kinh doanh thì sao? Hướng đến đối tượng là những khách hàng bình dân, khởi nghiệp từ nguồn vốn nhỏ, nhiều người đã nhen nhóm nguồn cảm hứng với mèo. Từ đó nhân rộng mô hình kinh doanh, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau với chất lượng dịch vụ tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu bạn cũng đang bắt đầu kinh doanh, hãy tham khảo mô hình của anh Nguyễn Thanh Tùng với xuất phát điểm là niềm đam mê.
Hái tiền triệu từ .. mèo
Ban đầu, chỉ nuôi mèo 1 chú mèo đực vì sở thích. Nhưng từ vài năm trở lại đây, Nguyễn Thanh Tùng, ở TP. Hải Dương, đã đầu chuyển hẳn sang kinh doanh mèo cảnh. Thời gian đầu, Tùng đầu tư thêm 5 con mèo cái với giá từ 3 – 7 triệu đồng/ con để nhân giống kinh doanh. Ngoài ra, Tùng còn nhận thu mua mèo con rồi bán lại để kiếm hoa hồng.
Bỏ ra một số vốn khá nhiều khi còn là sinh viên là một điều vô cùng thách thức. Nhưng không vì thế mà từ bỏ đam mê. Tùng mạnh dạn vay bố mẹ tiền để thử sức với việc này. Tùng cho biết: “Do làm một mình nên chỉ nuôi 1 chú mèo đực và 5 mèo cái là vừa sức chăm, lại hạn chế được bệnh dịch. Mèo cứ luân phiên nhau đẻ thì việc kinh doanh sẽ đều hơn.”
“Vì trung bình 1 mèo cái sẽ đẻ 2 – 3 lứa 1 năm. Mỗi lứa lại được từ 3 – 5 mèo con. Nên cứ quay vòng như vậy sẽ có nhiều mèo để kinh doanh. Bên cạnh đó, Tùng còn thu mua mèo từ các nơi khác về bán lại.”, anh cho biết thêm.
Việc mua đi bán lại tuy không được giá như mèo mình nuôi đẻ ra rồi bán, nhưng sẽ nhàn hơn. Mỗi con mèo mua đi bán lại lãi trung bình 1 – 2 triệu đồng/ con tùy giống. Trừ chi phí tiêm tẩy giun 320.000 đồng/ mũi thì vẫn còn khá khẩm. Không những vậy, còn không phải mất công chăm mèo đẻ, và mèo con. Không mất tiền thức ăn trong 2 tháng cho mèo con. Vì sau 2 tháng mèo con mới cứng cáp và có thể bán được.
Kiếm tiền triệu khi còn trên ghế nhà trường
Tùng bắt đầu kinh doanh từ thời còn là sinh viên nhưng đã cho thu nhập rất khá. Lúc cao điểm nhất, một tuần anh có thể bán được 10 mèo con đủ loại mà giá thì không hề rẻ. “Mèo Anh lông dài có giá từ 1 – 2 triệu đồng/ con. Mèo Anh lông ngắn 4 – 5,5 triệu đồng/ con. Mèo Ba Tư 3 – 7 triệu đồng/ con,…chưa kể các giống nhập 100% thì giá còn cao hơn rất nhiều”, Tùng chia sẻ.
Đối tượng khách hàng mà Tùng hướng tới là các bạn học sinh, sinh viên. Và phân khúc những người có thu nhập cao, yêu thích chó mèo. Hiện 5 giống mèo cái Tùng nuôi đang được rất nhiều yêu thích nhờ những đặc điểm: màu lông đẹp, mặt xinh hoặc mặt ngố, thông minh, biết đi vệ sinh đúng chỗ, dễ chăm sóc…
“Mặc dù giá không còn cao như 1 – 2 năm trước, nhưng hiện giống mèo Anh lông ngắn vẫn bán tốt nhất. Giá khoảng 4 – 7 triệu đồng/ con vì nhìn chúng rất sang chảnh và đáng yêu. Ai không có điều kiện thì thường mua mèo Anh lông dài thuần hoặc mèo Anh lông dài lai với mèo Ba Tư. Vì giá của chúng chỉ trên dưới 1 triệu đồng, tùy màu lông”, Tùng bật mí.
Nhu cầu thị trường thời cao điểm
Sau Tết một là khoảng thời gian khan mèo nhất. Bởi nhiều bạn trẻ còn là học sinh sẽ có một khoản tiền mừng tuổi, nên nhu cầu mua mèo càng tăng cao đột biến. Thời điểm đó Tùng cho biết: “Mèo không phải là loại hàng hóa cứ có nhu cầu là sản xuất ra được. Mình phải rút kinh nghiệm từ những năm trước, đi liên lạc từ trước Tết. Tìm kiếm nhiều nguồn để khi mèo của họ đẻ là mình nhận mua luôn. Cao điểm nhất mình đã nuôi đến 55 con mèo một lúc. Việc này giúp chủ động với thị trường và sẵn đủ giống chờ khách đến lấy.”
“Nuôi đông như vậy thì có bữa cho ăn cơm thịt, cá, có bữa lại cho ăn hạt. Nhưng tốn kém nhất là khoản cát khử mùi cho mèo đi vệ sinh. Vì thế, khi bắt mèo về 1 – 2 ngày là mình phải giục khách đến lấy ngay. Nếu để lâu mình sẽ không chăm được và tốn kém hơn”, Tùng chia sẻ.
Thú chơi tốn kém
Nuôi mèo từ thời còn là sinh viên nên cô bạn Nguyễn Diệu Linh. Vừa tốt nghiệp khoa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Linh đã gặp rất nhiều khó khăn vì phải chuyển nhà liên tục. Nguyên nhân là do hàng xóm và chủ nhà không thích động vật.
Phần vì nhà trọ nhỏ nên hễ có mùi gì lạ mọi người đều quy ngay cho mèo của Linh. Phần vì mèo hay kêu nửa đêm khiến nhiều người mất ngủ. Tuy nhiên, cô bạn vẫn quyết tâm nuôi bằng được vì tình yêu mèo to lớn. Nhưng Linh cho biết, “Để mèo có thể ngủ cùng mình và chơi cùng thì luôn phải sạch sẽ. Chi phí tắm, tỉa lông, thức ăn và cát vệ sinh cũng khá tốn kém so với sinh viên. Chưa kể, giống mèo nhập như mèo Anh lông ngắn, tai cụp vốn không chịu được nóng nên phải thường xuyên nằm phòng điều hòa vào mùa hè. Vì nếu nóng quá, tai chúng sẽ dựng lên và không cụp trở lại được nữa.”
Vừa có bạn… vừa có thêm thu nhập
Vừa chơi với mèo Linh vừa nói vui: “Mọi chi phí cho chú mèo mình đều phải tự lo. Vì bố mẹ bảo chỉ chu cấp cho một miệng ăn chứ không phải hai miệng ăn. Nên ngoài giờ lên lớp mình đã đi làm thêm, dạy thêm để có 1 khoản lo cho mèo. Bận rộn hơn trước nhưng cũng rất vui vì nuôi mèo sẽ bớt cô đơn hơn khi đi học xa nhà.”
Ngoài ra Linh còn cho hay, “Khi đến mùa sinh sản, mèo sẽ cần phối giống. Chi phí này cũng khá tốn kém, mất khoảng một nửa giá trị mèo. Vì mèo có giá 3 – 5 triệu đồng thì tiền phối giống mất 1,5 triệu đồng. Mèo càng đắt tiền thì giá phối giống lại càng cao. Tuy nhiên, chủ mèo đực sẽ bảo đảm khi nào mèo cái đậu thai mới thôi. Nhưng cũng không lỗ, vì mèo con sinh ra nếu không đủ điều kiện chăm sóc thì có thể bán cho những ai thực sự yêu mèo và thu lại một khoản kha khá.”
“Tuy tốn kém, nhưng nuôi mèo hay nuôi thú cưng cũng rất vui. Vừa để thỏa mãn sở thích, vừa là để mình cảm thấy có trách nhiệm với bản thân và thú cưng của mình hơn. Ngoài ra, mình cũng đã kiếm được một khoản kha khá sau vài lần mèo đẻ”, Linh nói.
Với mô hình và những chia sẻ trong việc nuôi mèo cảnh trên có thể giúp bạn có thêm kiến thức để xây dựng mô hình hiệu quả với giá trị kinh tế cao. Chúc bạn thành công!
Nguồn: dantri.com.vn