
Giai đoạn gà chọi thay lông là mốc đánh dấu những bước trưởng thành và phát triển mới của gà. Quá trình này cũng được ví như giai đoạn dậy thì ở con người, khi mà những phát triển về hình dáng và bề ngoài bắt đầu rõ nét.
Ở giai đoạn thay lông này, những phần lông trên mình của gà sẽ phát triển thấy rõ. Chính vì thế, người nuôi nên tìm hiểu kỹ và có cách chăm sóc hợp lý để đảm bảo quá trình này được diễn ra một cách suôn sẻ và hoàn thiện nhất, giúp gà luôn khoẻ mạnh và có một bộ « áo mới » đẹp mắt.
Thay lông ở gà chọi là như thế nào ?
Thay lông là quá trình mà lớp lông tơ nhỏ, cũ của gà bị rụng đi tại mỗi thời kỳ sinh trưởng. Thay vào đó, một lớp lông mới sẽ mọc ra cứng hơn, nhiều và dày hơn lớp lông cũ. Đây được xem là mốc đánh dấu bước phát triển nhanh và cứng cáp về cả mặt vóc dáng và thể chất của gà chiến. Trong giai đoạn chuyển từ gà non tơ lên gà trưởng thành này, chúng sẽ ăn và hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn; từ đó, gà cũng lớn rất nhanh và phổng phao trông thấy.
Việc thay lông cũng tuỳ thuộc vào từng con gà, có con nhanh có con chậm. Có những con chỉ sau khoảng 1 đên 2 tháng là rụng và khô lông rất nhanh; nhưng có những con sau 3 – 4 tháng vẫn chưa rụng hết lông.
Cách nhận biết khi gà bắt đầu thay lông
Đối với những ai đã có kinh nghiệm nuôi và chơi gà chọi lâu năm thì mùa thay lông không còn gì xa lạ. Nhưng với ai mới bắt đầu nuôi gà thì dấu hiệu thay lông ở gà vẫn còn rất lạ lẫm. Nếu không hiểu rõ có thể nhầm lẫn gà mắc bệnh.
Thay lông ở gà chọi giúp trút bỏ bộ lông cũ và mọc ra bộ lông mới. Theo kinh nghiệm nuôi gà chọi thì thông thường, gà sẽ bắt đầu thay lông từ đầu mùa hạ cho tới đầu thu (khoảng tháng 6 – 8 âm lịch hàng năm). Quá trình này ở gà chọi diễn ra tuần tự. Đầu tiên là phần đầu, sau đó lan xuống cổ, lưng, ức, cánh và đuôi.
Bật mí những cách chăm sóc gà chọi trong lúc “thay áo mới”
Theo kinh nghiệm lâu năm thì nuôi gà chọi thay lông còn khó hơn rất nhiều nuôi gà chọi chiến. Vì từ chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc đều phức tạp hơn. Nếu không chăm kỹ lưỡng bộ lông mới của gà mọc ra sẽ không được bền.
Thông thường để gà chọi có thể thay lông hoàn toàn mất khoảng thời gian là 4 tháng. Chia thành từng giai đoạn cụ thể để chăm tốt hơn.
Giai đoạn 1: bắt đầu rụng lông
Ở giai đoạn này gà chọi thay lông bắt đầu. Lúc này gà vẫn còn khỏe nên được nghỉ. Tăng cường cho ăn giá, cà chua và mồi.
Tắm cho gà hàng ngày vào buổi trưa. Sau khi tắm, lấy khăn lau nhẹ cho ráo nước. Nuôi gà chọi thay lông phải thay đổi chế độ ăn của chúng. Cho ăn thóc bình thường nhưng phải giảm đi khoảng 1/3 và thay vào đó tăng rau cho gà.
Bao giờ quan sát thấy gà bạc hẳn vào vụ thay lông thì bổ sung thêm mồi và lạc vào khẩu phần ăn. Cách khoảng 3 ngày bổ sung 1 lần cho đến khi thấy gà chọi ra lông.
Giai đoạn 2: gà bắt đầu mọc những chiếc lông mới đầu tiên
Đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định tới cả bộ lông mới của gà chọi. Khi gà chuẩn bị ra lông bạn nên thay đổi chế độ ăn của chúng.
Cho gà ăn khẩu phần ít hơn bằng 2/3 khẩu phần ăn của gà chiến. Bổ sung thêm rau, lạc, dầu cá bổ sung 2 ngày 1 viên giúp lông mọc ra bóng mượt. Bổ sung thêm chất đạm cho gà. Cho gà ăn thêm 1 quả trứng cút thường và 1 miếng thịt nạc nhỏ rất tốt cho việc ra lông ở gà chọi.
Để đạt hiệu quả thì vào giai đoạn này cần tắm cho gà ít đi. Cách khoảng 2, 3 ngày mới tắm một lần.
Giai đoạn 3: khô lông
Khi gà đang thay lông bước vào giai đoạn này thường tăng cân rất nhanh. Do đó, phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý cho chúng. Bỏ thịt lợn và khoảng 1 tuần mới tắm một lần. Nên tắm gà lúc trời hửng nắng, lau khô nhẹ nhàng đem gà phơi nắng nhẹ. Nếu không sẽ làm cho gà dễ mất gân hay mắc bệnh đường hô hấp. Khi lông gà đã ra nhiều và đợi lông khô hẳn ta tiến hành cắt lông, vào vần gà chọi.
Nuôi gà chọi thay lông đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức chăm chút tỉ mỉ. Do đó, người nuôi cần lưu ý chế độ ăn của chúng điều chỉnh sao cho hợp nhất giúp bộ lông mới tuyệt đẹp.
Nguồn: klt.vn